Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
40 năm quan hệ Việt-Nhật: Tiếp tục tạo dòng chảy vốn đầu tư Nhật Bản vào BR-VT

Với mục tiêu xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành tỉnh công nghiệp và cảng biển trong tương lai, đặc biệt là việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao: đặt nền móng cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại VN phát triển, tỉnh BR-VT đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư từ Nhật Bản nhất là vào các lĩnh vực ngành nghề: Kinh tế cảng, logistics, công nghiệp hỗ trợ.

Qua kết quả bước đầu trong thu hút đầu tư Nhật Bản những năm qua, cùng với việc xác định ưu thế vượt trội của Nhật Bản trong ngành CNHT so với toàn thế giới, gần 3 năm nay, BR-VT đã tập trung nhiều công sức để mời gọi các nhà đầu tư từ Nhật Bản vào ngành CNHT, nhằm đặt nền móng hình thành tại tỉnh một ngành CNHT thực sự đúng nghĩa đi đầu và hiện đại.

Nhiều nỗ lực mời gọi DN Nhật từ phía địa phương BR-VT

Có thể thấy 4 nhiệm vụ nổi bật mà địa phương BR-VT đã tích cực thực hiện trong hơn 2 năm qua nhằm thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản vào ngành công nghiệp hỗ trợ, đó là: Đẩy mạnh gặp gỡ song phương; Thúc đẩy xây dựng hạ tầng; Chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng cho vận hành các nhà máy của ngành công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh; Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư ngành CNHT.

Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ KHĐT, chủ đầu tư và Đại sứ quán Nhật Bản tại TP HCM tiến hành nghi lễ khởi công KCN Phú Mỹ 3

Tính từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức 5 đoàn xúc tiến đầu tư và 01 đoàn khảo sát về logistics tại Nhật Bản. Trong đó lồng ghép tổ chức được 9 cuộc Hội thảo giới thiệu tiềm năng của tỉnh và nhu cầu thu hút ngành CNHT vào địa bàn. Qua đó gặp gỡ hơn 530 DN Nhật Bản tại các tỉnh Tokyo, Osaka, Kawasaki, Yokohama, Okazaki. Đồng thời, tỉnh cũng đã mời và đón tiếp khoảng 130 DN Nhật Bản đến tỉnh tham quan, khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong đó 5 đoàn số lượng thành viên tham gia trên 20 người/mỗi đoàn, và nhiều đoàn nhỏ khác. Ngoài ra, cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật bản (JICA) cũng đã tổ chức các cuộc khảo sát tìm hiểu cực tăng trưởng của các tỉnh phía Nam, về môi trường đầu tư, vị trí các khu công nghiệp (KCN) dành thu hút các DN Nhật Bản và đã có 2 buổi báo cáo giữa kỳ cho UBND tỉnh và các sở ngành về kết quả khảo sát. Chưa kể nhiều đợt khảo sát thực địa do các DN Nhật Bản kết hợp khi có điều kiện đến BR-VT. Qua các cuộc gặp gỡ, cả 2 bên đã thu thập được nhiều thông tin bổ ích phục vụ đắc lực cho công cuộc bắt tay đầu tư. Đặc biệt, UBND tỉnh BR-VT đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với chính quyền thành phố Kawasaki; Sở Công Thương đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với phòng công nghiệp thương mại thành phố Kawasaki; Ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Forval để xúc tiến các hoạt động quảng bá, giới thiệu tỉnh BR-VT đến các DN Nhật Bản...Đây là những thành công bước đầu nhưng khá quan trọng trong việc kết nối thu hút đầu tư Nhật Bản vào địa bàn tỉnh.

Trong việc chuẩn bị hạ tầng, tại thời điểm này, ngoài các KCN đã có sẵn hạ tầng là: B1 Tiến Hùng và B1 Đại Dương, đã có thêm hai khu-cụm công nghiệp khởi động đầu tư xây dựng với mô hình hạ tầng kiểu mới đầu tiên cho ngành CNHT-đó là Cụm Công nghiệp chuyên sâu Đá Bạc do Công ty CP Đông Á Châu Đức làm chủ đầu tư và KCN Phú Mỹ III do Cty CP Thành Bình Phú Mỹ làm chủ đầu tư. Trong đó, KCN Phú Mỹ I đã hoàn thành san lấp mặt bằng khoảng 30 ha, chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhà xưởng theo yêu cầu của các DN Nhật. Đáng nói là trong buổi lễ khởi công hạ tầng cụm CN Đá Bạc, ông Yamada, chủ tịch phòng thương mại Kawasaki đã đến dự, hay lễ khởi công KCN Phú Mỹ III vừa qua cũng đã có sự hiện diện của lãnh sự quán Nhật Bản và đại diện các hiệp hội DN Nhật.

Về nguồn nhân lực, tại thời điểm này, Trường Cao Đẳng nghề tỉnh cũng đã đào tạo khóa đầu tiên với 300 học viên được 1 năm, và theo hợp đồng đặt hàng mới, Trường Cao đẳng nghề đang tuyển sinh cho khóa tiếp theo khai giảng đầu tháng 9 tới, với số lượng 400 em, đồng thời sẽ đưa một số đã qua đào tạo sang Nhật để đào tạo chuyên sâu.

Các học viên Trường Cao đẳng nghề của tỉnh trong lớp học cắt gọt kim loại

Đối với cơ chế chính sách, tỉnh Br-VT cũng đã và đang xây dựng hoàn chỉnh một chính sách ưu đãi giành riêng cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, ngoài những chính sách chung của Chính phủ, tỉnh còn có chính sách ưu đãi riêng để nhà đầu tư đến địa phương hoàn toàn an tâm đổ vốn vào.

Nhiều chất xúc tác từ các tổ chức, các nhân DN Nhật

Ông Mitsuhiro Mori – Tổng giám đốc Công ty Thép Vina Kyoei cho rằng: công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư không là của riêng cá nhân ai, và nó sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu như có sự tư vấn trực tiếp của những người trong cuộc. Là nhà đầu tư đến BR-VT sớm nhất và đã đứng chân lâu tại đây, hơn ai hết, ông hiểu rõ những lợi thế cũng như những gì mà BR-VT đang cần từ phía các nhà đầu tư Nhật Bản, do đó, trong tất cả những dịp có điều kiện tiếp cận với các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm hiểu cơ hội đầu tư ra nước ngoài, hoặc có quan tâm xúc tiến đầu tư vào tỉnh BR-VT, ông đều nói chuyện về những lợi thế của BR-VT cả tiềm năng, điều kiện tự nhiên và sự ưu tiên mời gọi đầu cũng như chính sách ưu đãi của địa phương BR-VT đối với các nhà đầu tư  nước ngoài. Đó cũng là suy nghĩ của ông Kanezaki Kennichi-Tổng GĐ Cty TNHH Nippon Steel & Sumikin Pipe Việt Nam. Ông Kanezen cho biết, với cương vị trưởng Ban đối ngoại khu vực của Hiệp Hội DN Nhật Bản tại TP HCM, hàng năm ông cũng đã tích cực xúc tiến các buổi tọa đàm tại BR-VT, nhằm tạo cơ hội cho Hiệp Hội DN Nhật Bản tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh để trao đổi thêm những thông tin mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có rất nhiều thông tin bổ ích giúp cho các doanh nhân Nhật bản đang quan tâm đến việc đầu tư ra nước ngoài.

Còn ông Shimojo Takeo, Phó chủ tịch tổ chức NPO hỗ trợ khởi nghiệp Châu Á thì cho rằng Việt Nam vốn là một đất nước đã có quan hệ gắn bó lâu dài với Nhật Bản, và hiện cũng đã có nhiều ký kết giao thương được hai bên ký kết. Riêng với BR-VT, tổ chức NPO đang có nhiều và hoạt động liên quan trực tiếp đến tỉnh. Cụ thể tổ chức này đã thực hiện năm thứ 3 chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu Nhật Bản (do Bộ Kinh tế & Công nghiệp Nhật Bản ủy thác) nhằm đưa kỹ thuật SX bao gồm cả kỹ thuật khuôn mẫu của Nhật Bản về BR-VT. Theo đó  thì sẽ có những chương trình hỗ trợ tích cực từ phía Nhật Bản trong việc đưa DN Nhật sang BR-VT đầu tư hay là hoạt động hỗ trợ đào tạo thợ khuôn mẫu, gia công chính xác, cho lao động Việt Nam. Đặc biệt, ngày 10-12 tới đây, NPO sẽ tham dự Hội chợ triển lãm Quốc tế Metalex và dự định sẽ tổ chức kết nối thương mại ở BR-VT…

Cũng trên tinh thần hỗ trợ hợp tác giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản, ông Tatsuhiro Arai, Giác đốc Trung tâm du lịch và doanh nghiệp Hyogo (Hong Kong) cũng cho hay, Hyogo đã khá hiểu biết về Việt Nam thông qua khỏang 4.500 người VN đang làm việc tại tỉnh Hyogo và qua chính 35 công ty của Hyogo đang hoạt động tại 37 địa điểm khắp đất nước Việt Nam. Hyogo rất tin tưởng và đang tiếp tục mở rộng tầm hoạt động giao thương tại VN, trong đó điểm đến tiếp theo là BR-VT. Hiện, Hyogo và BR-VT đã tiến hành được một số bước quan trọng trong trao đổi kinh tế và đang trên đà tiến tới những hợp tác đầu tư lâu dài.

Có thể thấy, với sự tích cực từ cả hai phía trong các công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư, nhất là với cái nhìn của các DN Nhật, BR-VT đang là điểm đến hấp dẫn, đầy thuyết phục, trong một tương lai gần dòng đầu tư Nhật Bản sẽ tiếp tục đổ mạnh vào BR-VT.

Huỳnh Liễu

Box: Bà Lê Hương Giang, phó giám đốc phục trách Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam-Cục Đầu tư nước ngoài-Bộ KHĐT cho biết: Theo KH, Bộ KH& ĐT sẽ hợp tác với JICA để hỗ trợ kỹ thuật công tác xúc tiến đầu tư cho khu vực phía Nam nói chung và KCN chuyên sâu tại BR-VT nói riêng. Qua đó JICA sẽ cử chuyên gia đến làm việc tại trụ sở Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam, (dự kiến ngay trong tháng 9-2013), nhằm phối hợp chặt chẽ trong hoạt động XTĐT và nâng cao năng lực làm việc cho cán bộ Trung tâm. Khi đó, BR-VT cũng sẽ có cơ hội để chuyên nghiệp hơn trong công tác XTĐT Nhật Bản.