Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Xúc tiến thu hút đầu tư Nhật Bản: chặng đường 3 năm nhìn lại (P2)

 

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản

 

Từ những thực trạng đã được phân tích trong bài 1, để việc thu hút xúc tiến đầu tư của các nhà đầu tư Nhật bản vào Tỉnh BRVT thực hiện dự án công nghiệp hỗ trợ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các ngành công nghiệp khác cần phải có những chiến lược cũng như cách thức tiếp cận khác nhằm thu hút đầu tư hiệu quả hơn.

Các cơ quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện xem xét đặc cách hỗ trợ các chủ đầu tư CCN Đá Bạc, KCNCS Phú Mỹ 3 trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng tạo đất sạch để triển khai xây dựng ngay nhà xưởng xây sẵn cho thuê. Tỉnh cần ưu tiên bố trí vốn thực hiện các dự án đường và các cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm điện, nước, viễn thông ... vào các KCN, CCN.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư CCN Đá Bạc, KCNCS Phú Mỹ 3 cần tập trung san lấp và xây dựng nhà xưởng xây sẵn cho thuê với quy mô vừa phải để có thể giới thiệu và cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê, kể cả nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư Nhật Bản. Do tình trạng thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Nhật bản mang tính chất lâu dài vì vậy để đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả tránh chôn vốn , các nhà đầu tư hạ tầng không nhất thiết phải đầu tư nhà xưởng cho toàn bộ diện tích được giao, mà cần xem xét đầu tư theo từng giai đoạn một diện tích vừa phải để xây dựng nhà xưởng có sẵn đón tiếp nhà đầu tư .

Ngoài ra, tại các KCN, CCN cần hình thành bộ phận “dịch vụ một cửa” nhằm cung cấp các dịch vụ biên, phiên dịch, dịch vụ pháp lý, giấy phép lao động, dịch vụ kế toán, mạng kết nối Internet dùng chung, …

Một công tác quan trọng khác đó là cần đổi mới cách xúc tiến đầu tư. Hiện UBND Tỉnh đã xây dựng chiến lược kêu gọi đầu tư của Tỉnh, lập danh sách các nhà đầu tư Nhật Bản tiềm năng. Tập trung xúc tiến đầu tư với các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia hoạt động đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng các KCN, CCN, trong các ngành công nghiệp nặng, sản xuất thiết bị y tế, dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cần kết nối và định kỳ cung cấp thông tin trực tiếp cho các hiệp hội ngành công nghiệp, các công ty tư vấn đầu tư chuyên nghiệp, ngân hàng, tư vấn tài chính, kiểm toán lớn, các cơ quan Chính phủ, tổ chức của Nhật Bản … Đẩy mạnh hoạt động “xúc tiến đầu tư tại chỗ” bằng giải pháp tăng cường tiếp xúc, tìm hiểu các khó khăn vướng mắc, hỗ trợ tích cực cho các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong quá trình triển khai xây dựng, hoạt động sản xuất kinh doanh để trên cơ sở đó các nhà đầu tư mở rộng quy mô phát triển sản xuất .

Đối với các chủ đầu tư cơ sở hạ tầng, các công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng các CCN, KCN cần thành lập và tăng cường năng lực cho bộ phận xúc tiến đầu tư chuyên trách, có chiến lược xúc tiến đầu tư cụ thể, rõ ràng. Cần lập được danh sách các khách hàng tiềm năng, mục tiêu của từng CCN, KCN để từ đó có hoạt động tiếp thị thích ứng. Liên kết, phối hợp với các công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng khác trên địa bàn, và với các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh trong các hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài cũng như trong các hoạt động đón tiếp các đối tác, khách hàng, các hiệp hội ngành nghề đến khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Đối với các trường dạy nghề cần chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các tổ chức đào tạo của Nhật Bản trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, chú trọng kỹ năng thực hành, lồng ghép đưa kỹ thuật và kỹ năng làm việc của Nhật Bản, cũng như tiếng Nhật vào chương trình đào tạo nghề.Ngoài ra, cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả trong nước cũng như các nhà đầu tư Nhật Bản thuê nhà xưởng xây sẵn để đầu tư vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ. 

Và điều quan trọng cuối cùng đó là tỉnh BR-VT là một địa phương có thế mạnh về địa lý cảng biển, nhưng trong thời gian qua hoạt động cảng biển chưa phát triển và chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các chân hàng sản xuất trên địa bàn tỉnh được xuất nhập hàng hóa thông qua cảng biển tại tỉnh để giảm giá thành sản xuất, tạo sức cạnh tranh. Vì vậy song song việc các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tỉnh cần chỉ đạo tập trung các giải pháp phát triển ngành vận tải biển, công nghiệp đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ logistics để tạo mối liên kết thu hút ngành công nghiệp hỗ trợ .

 

Mời các bạn xem Phần 1 bài viết tại đầy