Tại Diễn đàn xuất khẩu 2014, ông Bùi Trung Thướng, bí thư phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết ngoài điện thoại di động, thì nông sản và thực phẩm như cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, thuỷ sản... là các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sang Ấn Độ, Tuy nhiên, Ấn Độ lại có tập quán tiêu dùng khác với Việt Nam, nên trước khi thâm nhập thị trường này, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ. Chẳng hạn với sản phẩm mì tôm, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ mùi vị để phù hợp với thị trường Ấn Độ.
Qua một số tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ gần đây, ông Bùi Trung Thướng nhận định Ấn Độ có thông tin tình báo thương mại, hải quan rất tốt, do đó, trong thời gian ngắn có thể phát hiện ra những lô hàng khai không đúng giá trị, tên hàng. Do đó ông lưu ý doanh nghiệp Việt Nam nên tuân thủ pháp luật và khai đúng tên hàng hóa, để tránh trường hợp một khi đã bị phát hiện và bị phạt sẽ khó có cơ hội xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.
Mặc dù Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại với thị trường Ấn Độ, nhưng đây là thị trường lớn nên chương trình xúc tiến này chưa thể đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp. Ông Thướng cho biết, Ấn Độ thường kết nghĩa với các thành phố nước ngoài, đây là cơ hội tốt để mở văn phòng đại diện các thành phố của Việt Nam tại Ấn để xúc tiến du lịch, hiểu biết về pháp luật, tập quán, cũng như tìm đối tác.
Đối với thị trường Indonesia, tham tán Lê Hồng Minh, Trưởng đại diện thương mại Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, cho biết có nhiều cách tiếp cận thị trường Indonesia, nhưng tham gia hội chợ triển lãm thương mại chuyên ngành là một trong những cách tiếp cận hữu hiệu nhất. Dù mất chi phí ban đầu, nhưng việc này đem lại hiệu quả khá cao.
Ông Minh cũng lưu ý doanh nghiệp nên hợp tác với nhà phân phối địa phương, trong đó có các kênh siêu thị, vì siêu thị ở đây đang phát triển. Có điều cần lưu ý là giá thành sản phẩm nhập khẩu thường cao hơn sản phẩm sản xuất nội địa, nên doanh nghiệp xuất khẩu phải tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Ông Lê Hồng Minh cho biết thêm, việc vận chuyển trong nội địa Indonesia khá khó khăn, làm đội chi phí lên rất nhiều, và nếu vận chuyển hàng tươi sống, doanh nghiệp phải bảo quản tốt nếu không hàng hóa có khả năng bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Phát biểu tại Diễn đàn xuất khẩu 2014, ông Satoshi Nakajima, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, cho rằng để đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản, một trong những điểm mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải lưu ý là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.Theo ông Satoshi Nakajima, mặt hàng xuất khẩu có triển vọng của Việt Nam vào thị trường này là nông thủy sản, nhưng người tiêu dùng Nhật Bản lại rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm.Thêm vào đó, thời gian gần đây sau khi xảy ra vụ bê bối liên quan đến thịt gà Trung Quốc, các cơ quan chức năng của Nhật Bản càng kiểm tra nghiêm khắc hơn đối với các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu.
Ông Satoshi Nakajima cho rằng điều quan trọng nhất là làm thế nào lấy được niềm tin từ người tiêu dùng Nhật Bản. Ông hy vọng Chính phủ và các nhà sản xuất Việt Nam sẽ cùng nghiên cứu, hợp tác để tìm ra giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng nông thủy sản xuất sang Nhật.