Chính sách tín dụng kích cầu: Ngăn chặn hiệu quả suy giảm kinh tế
Các giải pháp chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ trong đó có chính sách tín dụng kích cầu, hỗ trợ lãi suất cho tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng được triển khai thực hiện tại Bà Rịa-Vũng Tàu từ đầu tháng 2-2009. Đây là nguồn vốn “giá rẻ” giúp cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VƯỢT QUA KHÓ KHĂN
Sau hơn 7 tháng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS), đến đầu tháng 10-2009, các ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu đã cho vay với doanh số hơn 7.551 tỷ đồng.
Đối với người vay, cơ chế HTLS 4%/năm đã góp phần đáng kể tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất tái cơ cấu sử dụng vốn, giảm chi phí sản xuất nhờ đó hạ giá thành sản phẩm, duy trì hoạt động tạo việc làm ổn định cho lao động xã hội, kích thích tiêu thụ hàng nội địa và tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng sản xuất trong nước. Nguồn vốn vay ngân hàng được HTLS giúp cho doanh nghiệp, hộ sản xuất mua sắm thêm máy móc, phương tiện mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cơ chế HTLS cũng đã kích thích các NHTM và TCTD mở rộng cung cấp tín dụng, đồng thời nâng cao vị thế và hình ảnh thương hiệu của mình trong việc chia sẻ khó khăn, hỗ trợ vốn cho khách hàng trong tình hình cả nước ra sức chống suy giảm kinh tế. Mặt khác, từ việc vay vốn ngân hàng theo chính sách kích cầu của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã dùng số tiền được hỗ trợ lãi suất (thay vì trả lãi cho ngân hàng) để bổ sung vào việc tăng thu nhập cho người lao động trong điều kiện khó khăn chung.
Ông Vũ Văn Đào, Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền Nam cho biết: Việc HTLS cho doanh nghiệp là giải pháp hữu hiệu giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Công ty đã được Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu bảo lãnh vay NHTM 15 tỷ đồng, tạo thêm nguồn vốn thực hiện hợp đồng với nhà thầu dầu khí nước ngoài.
Chính sách tín dụng kích cầu với vốn vay được HTLS triển khai trên địa bàn đã góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2009 của tỉnh. Nếu như tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh quý I chỉ đạt 4,31%, thì quý II đã tăng 7,03% và quý III tăng 11,79%. Tính chung 9 tháng đầu năm mức tăng trưởng GDP của tỉnh là 8,36%.
NHỮNG TỒN TẠI, BẤT CẬP
Trong quá trình thực hiện cho vay vốn HTLS trên địa bàn tỉnh, bước đầu cũng phát sinh nhiều thắc mắc của đối tượng được thụ hưởng chính sách này về thủ tục cho vay. Mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng rất đa dạng, có nhiều hoạt động sản xuất của doanh nghiệp khá mới theo cơ chế hội nhập và chủ trương xã hội hóa ở một số lĩnh vực nhưng chưa được hướng dẫn phân loại theo ngành kinh tế, do đó, các NHTM và TCTD gặp nhiều khó khăn trong việc xác định đối tượng được HTLS, hoặc nhầm lẫn về đối tượng HTLS khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.
Đối với nguồn vốn trung và dài hạn cho vay theo Quyết định 443/QĐ-TTg, do thời hạn giải ngân chỉ đến 31-12-2009 là chấm dứt, có doanh nghiệp sẽ không tiếp cận được gói kích cầu này do còn đang trong giai đoạn lập dự án sản xuất – kinh doanh. Nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng được HTLS, nhưng do đã vay vốn trước ngày 1-2-2009 khi chưa có chính sách HTLS, nên khi đến hạn thanh toán món vay cũ để vay chu kỳ mới thì thời gian được HTLS còn rất ngắn.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất vay vốn mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nhà ở khu vực nông thôn ban hành sau Quyết định 443/QĐ-TTg, nên tiến độ giải ngân chậm do có sự trùng lắp về đối tượng vay vốn giữa hai quyết định này. Đến nay, doanh số cho vay vốn theo Quyết định 497/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh chỉ mới được hơn 1,42 tỷ đồng. Mặt khác, Quyết định 497/QĐ-TTg có nhiều bất cập như: Quy định về máy móc, thiết bị sản xuất trong nước được vay vốn HTLS để mua sắm không phù hợp với thói quen sử dụng của nông dân, độ bền lại không cao, thường hỏng hóc nên sau khi tính toán thiệt hơn, nông dân quyết định vay vốn trung và dài hạn để mua máy móc, thiết bị ngoại nhập phục vụ sản xuất nhưng vẫn thuộc đối tượng được vay vốn HTLS theo Quyết định 443/QĐ-TTg. Mức cho vay xây nhà ở nông thôn tối đa 50 triệu đồng còn thấp so với mặt bằng giá cả. Quy định mức tiền vay đối với việc mua vật tư nông nghiệp không quá 7 triệu đồng/ha không phù hợp với điều kiện canh tác, chăm sóc cây trồng (cà phê, tiêu...) của nông dân trong tỉnh.
Theo quy định, người vay phải cung cấp hóa đơn, chứng từ cho NHTM và TCTD cho vay. Tuy nhiên, đối với khách hàng vay vốn là hộ gia đình, cá nhân không có thói quen mua bán sử dụng hóa đơn, chứng từ. Nếu mua hàng có hóa đơn, chứng từ, người mua là khách hàng vay vốn sẽ bị cộng thêm 5% - 10% thuế GTGT, tăng thêm chi phí cho việc sử dụng vốn vay. Do vậy, nhiều khách hàng thuộc đối tượng vay vốn HTLS, nhất là hộ nông dân còn e ngại khi vay vốn theo chính sách này.
Mặc dù còn một số tồn tại, bất cập trong việc thực hiện HTLS vay vốn ngân hàng mà tới đây sẽ được khắc phục, nhưng nhìn ở góc độ tổng thể, chính sách tín dụng kích cầu đã đạt được mục tiêu đề ra là góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhựt Thanh(Theo báo BR-VT)
Ông Lê Đình Liệu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu
Các NHTM và TCTD trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng tổ chức, triển khai chính sách HTLS, đáp ứng kịp thời vốn vay của các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được HTLS. Việc cho vay tiến hành công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử, bảo đảm đúng đối tượng theo quy định. Qua kiểm tra - thanh tra, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào có sự cấu kết giữa cán bộ ngân hàng và người vay lợi dụng chính sách HTLS để trục lợi.
Ông Trần Khang Linh, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Thương mại và Đại lý dầu
Đề nghị Chính phủ gia hạn thêm thời hạn giải ngân cho vay nguồn vốn trung và dài hạn đến hết năm 2010. Nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục đáng kể, chứng tỏ hiệu quả của giải pháp kích cầu, do vậy, Nhà nước cần bổ sung thêm nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thêm 1 – 2 năm nữa.
Ông Vũ Văn Đào, Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền Nam
Cùng với việc cho vay theo chính sách HTLS, đề nghị các NHTM cần tiếp tục chia sẻ khó khăn thông qua việc bảo lãnh cho doanh nghiệp thực hiện hợp đồng, hoặc cho vay tín chấp theo hợp đồng nhận thầu của doanh nghiệp. Bởi, hiện nay đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính và tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng có hạn.