LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Công đoàn Công đoàn
Chào mừng 79 năm Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2008). Công đoàn Việt Nam: Những chặng đường lịch sử

CHÀO MỪNG 79 NĂM CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

(28/7/1929 – 28/7/2008)

CÔNG ĐOÀN VIT NAM

Những chặng đường lịch sử

 

 Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2008), Ban chấp hành CĐN Công Thương tỉnh BR-VT và toàn thể cán bộ công đoàn cơ sở họp mặt, điểm qua các mốc son lịch sử và một số sự kiện về hoạt động của Công đoàn Việt Nam, nhằm ôn lại truyền thống lịch sử Công đoàn, giúp mỗi cán bộ công đoàn nói riêng và lực lượng CNVCLĐ toàn ngành nói chung thêm gắn bó, tự hào về truyền thống của tổ chức mình, càng hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực học tập rèn luyện, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội X Công đoàn Việt Nam, Đại hội lần thứ nhất Công đoàn Công Thương Việt Nam.

Tổ chức công đoàn sơ khai của phong trào công nhân Việt Nam xuất hiện từ năm 1920, do đồng chí Tôn Đức Thắng (nguyên là Chủ tịch nước VNDCCH) sáng lập. Sau khi bị trục xuất về nước vì tham gia ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga bằng hành động kéo cờ phản chiến ở biển Bắc Hải, năm 1920, đồng chí Tôn Đức Thắng về Sài Gòn vận động thành lập Công hội bí mật. Với mục tiêu ‘‘tương trợ nhau đấu tranh bênh vực quyền lợi cho công nhân, tranh đấu chống đế quốc, tư bản’’, Công hội bí mật là linh hồn của phong trào bãi công ở Sài Gòn - Chợ Lớn giai đoạn 1924-1925. Phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng phát triển. Cùng với việc thành lập Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Nguyễn Ái Quốc đã huấn luyện nhiều cán bộ ở Quảng Châu, Trung Quốc đưa về hoạt động trong nước, thâm nhập vào các khu lao động, các xóm thợ, xưởng máy, vận động tổ chức công nhân vào Công hội. Nhờ vậy tổ chức Công hội đã được thành lập ở nhà máy Chai, nhà máy Tơ, nhà máy cơ khí Ca Rông, bến cảng, nhà máy Xi măng Hải Phòng, nhà máy Sợi, nhà máy Điện Nam Định, nhà máy xe lửa Dĩ An, đồn điền cao su Phú Riềng, Cao su miền Đông Nam Bộ, mỏ than Hòn Gai, Mạo Khê, Uông Bí, nhà máy sửa chữa ôtô AVIA, nhà máy điện, nhà in IDEO Hà Nội, nhà máy sửa chữa ôtô STACA Đà Nẵng, nhà máy FACI và nhiều nhà máy khác ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Ngày 28 tháng 7 năm 1929 tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội đã diễn ra một sự kiện trọng đại của phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam: Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ.

Với 7 đại biểu của các Công hội Đỏ: Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, khu mỏ Đông triều, Mạo Khê… , Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban chấp hành Đông dương Cộng sản Đảng đứng đầu. Lần đầu tiên ở Việt Nam đã liên kết các Công hội Đỏ địa phương thành một tổ chức công hội thống nhất – Tổng Công hội Đỏ, tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay.

Đại hội đã thông qua điều lệ và chương trình hành động của Tổng Công hội đỏ, đồng thời quyết định xuất bản báo lao động và tạp chí Công hội đỏ - tiền thân của báo Lao động và Tạp chí lao động và Công đoàn ngày nay.

Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ 5 (tháng 11/1983) đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 28/7/1929 là ngày thành lập Công đoàn việt Nam.

Qua các thời kỳ cách mạng, Công đoàn Việt Nam đã có các tên gọi khác nhau như Công hội Đỏ (1929-1935); Nghiệp đoàn Ái hữu (1936-1939); Hội Công nhân phản đế (1939-1941); Hội Công nhân Cứu quốc (1941-1946); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1946-1961); Tổng Công đoàn Việt Nam (1961-1988) và từ 1988 đến nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

          * Chủ tịch Công đoàn Việt Nam qua các thời kỳ:

- Chủ tịch Hoàng Quốc Việt (các khóa I, II, III từ năm 1950 – 1978);

- Nguyên Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch danh dự Tổng CĐVN năm 1974;

- Nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng CSVN Nguyễn Văn Linh được bầu làm Chủ tịch Tổng CĐVN khóa IV;

- Chủ tịch Nguyễn Đức Thuận khóa V;

- Chủ tịch Phạm Thế Duyệt khóa V từ năm 1987 – 1988;

- Chủ tịch Nguyễn Văn Tư (các khóa VI, VII);

- Chủ tịch Cù Thị Hậu (các khóa VIII, IX);

- Tại Hội nghị lần thứ tám BCH Tổng LĐLĐVN (khóa IX) họp từ ngày 27 – 28/12/2006, đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN, Phó Chủ tịch thường trực được bầu giữ chức Chủ tịch Tổng LĐLĐVN (khóa IX)

Mục tiêu của Công đoàn Việt Nam đặt ra qua 9 kỳ đại hội luôn phù hợp với sự phát triển của từng giai đoạn cách mạng Việt Nam:

- Đại hội I CĐVN (năm 1950): “Động viên CNVC phục vụ kháng chiến chống Pháp”

- Đại hội II CĐVN (năm 1961): “Thi đua xây dựng CNXH ở miền Bắc với tinh thần “ mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”,

- Đại hội III CĐVN (năm 1974): “Động viên sức người, sức của chi viện cho miền Nam, thống nhất đất nước”,

- Đại hội IV CĐVN (năm 1978): “Động viên CNVC thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hóa”;

- Đại hội V CĐVN (năm 1983): “Động viên CNVC thực hiện 3 chương trình lớn của Đảng (phát triển nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”;

- Đại hội VI CĐVN (năm 1988): “Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội”;

- Đại hội VII CĐVN (năm 1993): “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chăm lo bảo vệ lợi ích của CNLĐ”;

- Đại hội VIII CĐVN (năm 1998): “Vì sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh”;

- Đại hội IX CĐVN (năm 2003): “Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, góp phần tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH đất nước”.

 Người Việt Nam đầu tiên tham gia tổ chức công đoàn là Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh), Người gia nhập Kim khí quận 17 (Pari-Pháp) năm 1919. Nhắc đến Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến câu nói nổi tiếng của Người về chức năng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam : “Tổ chức Công đoàn trước là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là giúp đỡ cho quốc dân, giúp cho thế giới”

(Đường Kách mệnh – Nguyễn Ái Quốc)

Lời kết :

79 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, tổ chức Công đoàn nước ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng lớn mạnh và phát triển. Ngày nay, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội rộng lớn vận động đoàn kết, công nhân lao động thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng qua các giai đoạn cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cao Thị Thanh Hà