LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE
Thương mại Thương mại
Một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán hàng đa cấp có hiệu lực từ ngày 05/01/2016

Ngày 19 tháng 11 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 05 tháng 01 năm 2016.

Theo đó, nhằm tăng cường hoạt động quản lý BHĐC Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Điều 92 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp (viết tắt là BHĐC). Trong đó, nổi bật là các nội dung sau:

Mức phạt được tăng từ 300 - 500 ngàn đồng lên 500.000 - 1.000.000 đồng đối với người tham gia BHĐC có một trong các hành vi vi phạm như: Thực hiện hoạt động BHĐC khi chưa được cấp thẻ thành viên theo quy định; không xuất trình thẻ thành viên khi giới thiệu hàng hóa; tiếp thị bán hàng hoặc không cung cấp đầu đủ những thông tin về doanh nghiệp và hàng hóa khi bảo trợ một người khác tham gia vào mạng lưới BHĐC.

Người tham gia BHĐC có hành vi yêu cầu người muốn tham gia BHĐC trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới BHĐC sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng

Đặc biệt, Nghị định đã bổ sung nội dung xử phạt thương nhân BHĐC từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC khi có thay đổi liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC theo quy định. Đây là một trong những hành vi vi phạm thường gặp của các doanh nghiệp BHĐC tuy nhiên tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP không quy định chế tài xử phạt hành vi vi phạm này.

Đối với hành vi người tham gia BHĐC: tổ chức hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm hoặc đào tạo mà không được thương nhân BHĐC ủy quyền bằng văn bản; lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia BHĐC của thương nhân khác tham gia vào mạng lưới của thương nhân BHĐC mà mình đang tham gia; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới BHĐC hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp, mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với hành vi trả cho người tham gia BHĐC tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trong một năm vượt quá 40% doanh thu BHĐC trong năm đó của doanh nghiệp BHĐC dao động từ 20 - 30 triệu đồng.

Mức phạt cao nhất từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động BHĐC cấp với có quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài mức phạt trên, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm.

Phạm Hà – P. QLTM

Tải về Nghị định số 124/2015/NĐ-CP; 185/2013/NĐ-CP