LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE
Thương mại Thương mại
Tiềm năng và cơ hội kinh doanh với thị trường các nước khu vực Trung Đông

Thị trường Trung Đông đang nổi lên là một trong những thị trường xuất khẩu có nhiều triển vọng của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Trung Đông tăng mạnh, từ khoảng 1,65 tỷ USD (năm 2010) lên 6,67 tỷ USD trong năm 2013; trong đó, các thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu lớn gồm có Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, I-xra-en, v.v… Ngược lại, trong năm 2013 Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Đông với kim ngạch khoảng 2,9 tỉ đô la Mỹ, các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là chất dẻo nguyên liệu, dầu DO, khí đốt hóa lỏng, phân kali.

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu của các nước trong khu vực này đối với hàng hóa của Việt Nam ngày càng gia tăng, cụ thể là các mặt hàng như sợi các loại, thủy sản, sữa và sản phẩm sữa, hàng dệt may, giày dép, vải các loại, hạt tiêu, hạt điều, cao su tự nhiên, cà phê, sản phẩm gỗ, gạo, máy tính và sản phẩm linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng v.v... Nhiều doanh nghiệp của các nước trong khu vực này đang quan tâm tới làm ăn với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường khu vực này có những đặc thù nhất định liên quan đến các quy định nhập khẩu, phong tục, tập quán và yếu tố văn hóa, tôn giáo.

Nhằm cung cấp các thông tin liên quan về thực trạng thị trường và triển vọng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, qua đó giúp cho doanh nghiệp hiểu thêm về những chính sách thương mại, quy định nhập khẩu, các cơ hội giao thương, tập quán kinh doanh, các quy định mang yếu tố tôn giáo bắt buộc như sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn Halal, những kinh nghiệm chia sẻ khi làm ăn kinh doanh với thị trường này.

Ngày 18 tháng 4 năm 2014, Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí Công Thương tổ chức hội thảo trên do Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, tại thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Tiềm năng và cơ hội kinh doanh với thị trường các nước khu vực Trung Đông”. Tại hội thảo, ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) nhận định: “Trung Đông là thị trường mới, có nhiều cơ hội và tiềm năng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này”. Đáng chú ý, các mặt hàng thị trường Trung Đông có nhu cầu nhập khẩu cùng là những mặt hàng các doanh nghiệp của Bà Rịa – Vũng Tàu có thế mạnh như các sản phẩm thủy sản, nông sản, dệt may, sản phẩm vật liệu xây dựng v.v.. Ngoài lĩnh vực xúc tiến các hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nước có thể hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, đào tạo lao động về nông nghiệp kỹ thuật cao…

Tuy nhiên, đại diện Lãnh đạo Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công Thương cũng lưu ý đối với các doanh nghiệp về một số rủi ro trong thanh toán do nhiều nhà nhập khẩu Trung Đông không có thói quen mở L/C cũng như cần tinh tế trong giao tiếp liên quan đến tôn giáo cũng như những thói quen sinh hoạt của người bản địa. Trước khi quyết định ký kết làm ăn với các đối tác, doanh nghiệp cần phải thẩm định kỹ đối tác và nên cố gắng soạn thảo hợp đồng mẫu và đưa vào hợp đồng mẫu tất cả những điều khoản để tránh rủi ro cho doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý khi hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp khu vực này để tránh những rủi ro không đáng có.

Xuân Hải – P.QLTM