Mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến ở các thị trường sản phẩm may mặc lớn của Hồng Kông, bao gồm cả Trung Quốc với 467 triệu người mua sắm trực tuyến vào năm 2016. Trong số các mặt hàng, đồ may mặc là một trong những mặt hàng được mua nhiều nhất trên mạng. Năm ngoái, doanh số bán đồ may mặc trực tuyến ước tính chiếm 41% tổng doanh thu mua sắm trực tuyến vào ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc là ngày 11 tháng 11 (còn gọi là Ngày Độc thân). Một cuộc khảo sát gần đây của PwC cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc có khuynh hướng mua sắm hàng may mặc trực tuyến, với hơn 72% người Trung Quốc cho biết họ thích mua quần áo qua internet.
Việc ngày càng có nhiều trang web mua sắm trực tuyến như Taobao (www.taobao.com) ở Trung Quốc và ASOS Marketplace ở Anh (marketplace.asos.com), cùng với sự bùng nổ của hình thức mua sắm theo nhóm và bán lẻ di động, dự kiến sẽ thúc đẩy mua sắm và bán hàng trực tuyến phát triển hơn nữa. Phương thức thanh toán qua bên thứ ba liên tục được cải tiến như Alipay của Alibaba Group và WeChat Pay của Tencent cũng giúp phổ biến hoạt động mua sắm trực tuyến. Theo ước tính, doanh số bán lẻ thương mại điện tử toàn cầu sẽ tăng gấp đôi so với mức hiện tại và vượt quá 4 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Xu hướng này cũng khuyến khích phát triển một số công nghệ mua sắm quần áo trực tuyến như thử đồ ảo, mua sắm qua video và ảnh chụp di động.
Các nhãn hiệu riêng hoặc gia công, về lý thuyết, đã trở thành một công cụ tiếp thị ngày càng hiệu quả giữa các nhà bán lẻ hàng may mặc, đặc biệt khi nhiều người tiêu dùng ở các thị trường phát triển vẫn còn thận trọng khi nền kinh tế mới phục hồi. Để tạo sự khác biệt cũng như nâng cấp hình ảnh sản phẩm của mình, các nhà bán lẻ lớn đã bắt đầu chú trọng nhiều hơn vào nhãn hiệu của riêng họ. Các nhà bán lẻ nổi tiếng như H&M, Marks & Spencer, Orsay, Palmers, Pimkie, Springfield và Kookai đều sở hữu những nhãn hiệu riêng. Khi người tiêu dùng mong muốn có nhãn hiệu riêng cho các sản phẩm may mặc hàng ngày như quần jean, phụ kiện và áo phông, cánh cửa cung cấp các mặt hàng này cũng mở ra đối với các chủ sở hữu nhãn hiệu riêng.
Người tiêu dùng đang trở nên thực tế hơn, chu đáo và có ý thức xã hội hơn. Động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành công nghiệp may mặc có khả năng sẽ đem đến các nguyên liệu mới và cách sản xuất sáng tạo. Khái niệm về nền kinh tế xoay vòng sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn trong chuỗi cung ứng hàng hóa thông qua cam kết thực hiện những ý tưởng như thu hồi các sản phẩm đã hết thời và sản phẩm thời trang khép kín để có thể tái sử dụng và tái chế vải sợi. Trong bối cảnh này, ngày càng nhiều các nhà sản xuất hàng may mặc đạt chứng nhận các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc như OE Blended, OE 100 và Tiêu chuẩn Toàn cầu về Dệt hữu cơ (GOTS). Số cơ sở đạt chứng nhận GOTS tăng đáng kể từ 3.814 năm 2015 đến 4.642 cơ sở tại 63 quốc gia vào năm ngoái. Các cửa hàng đồ may mặc có uy tín như Nike, Adidas, H&M, C&A, Walmart, Anvil Knitwear cũng đã hưởng ứng bằng cách đa dạng hóa các sản phẩm may mặc bền vững.
Sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế đã thu hút sự chú ý của các công ty may mặc Hồng Kông và nước ngoài. Trong khi một số đối tác nước ngoài nổi tiếng như C&A, Uniqlo và H&M đang tìm cách mở rộng thị trường ở các thành phố ở cấp thấp hơn, những thương hiệu hiện chưa có mặt trên thị trường đại lục cũng đang nỗ lực xâm nhập thị trường. Ví dụ như, Victoria's Secret sắp mở một cửa hàng flagship tại Vịnh Causeway, lấy Hồng Kông làm bàn đạp để vượt biên. Gắn liền với sự mở rộng thị trường, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng sành điệu và có ý thức về thương hiệu hơn.
Xu hướng sản phẩm
Người tiêu dùng ở các thị trường phát triển tiếp tục chi tiêu trở lại cho các sản phẩm thời trang nhưng họ vẫn lựa chọn những sản phẩm mang lại sự thoải mái, phù hợp và đáng đồng tiền - và không quá cấp tiến. Tuổi thọ sản phẩm vẫn là một yếu tố quan trọng, trong khi các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng và chất lượng vừa phải vẫn đang có nhu cầu rất cao.
Một trong những động lực chính của thị trường may mặc trong thời gian tới là trẻ em, đặc biệt là ở các thị trường phát triển. Thị trường hàng may mặc trẻ em toàn cầu ước đạt 186 tỷ USD vào năm 2020. Nhờ vào sự hồi phục kinh tế, cha mẹ sẵn sàng và có thể chiều con mình mua những bộ trang phục tinh xảo hơn.
Nam giới ngày càng quan tâm đến tủ quần áo của họ. Theo Euromonitor, thị trường quần áo nam giới dự báo sẽ vượt mức 490 triệu USD vào năm 2020, so với mức 411 triệu USD vào năm 2016. Ngoài ra, trong hơn một thập kỉ vừa qua, nam giới đã chi nhiều tiền hơn vào trang phục mỗi năm, một phần nhờ vào sự phổ biến của việc mua sắm quần áo nam trực tuyến với doanh thu hàng năm tăng hơn 17% trong khoảng từ năm 2010 đến năm 2015.
Dân số già đi đang là một hiện tượng phổ biến ở nhiều nước phát triển ở châu Âu, Nhật Bản cũng như ở Hoa Kỳ. Liên Hiệp Quốc ước tính dân số từ 60 tuổi trở lên ở các khu vực phát triển hơn chiếm đến 22-33% dân số. Người cao tuổi tạo thành một phân khúc thị trường chính gọi là 'thị trường bạc'. Nhờ các khoản tiết kiệm, trợ cấp an sinh xã hội và lương hưu, nhiều người cao tuổi có sức chi tiêu khá mạnh. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi chính phủ Nhật Bản cũng chỉ ra rằng những người từ 60 tuổi trở lên có tài sản cao gần gấp ba lần so với những người trong nhóm tuổi 40-50.
Thị trường quần áo cỡ lớn đã tăng trưởng trong nhiều năm, và xu hướng này sẽ còn tiếp tục, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Ví dụ, theo ước tính, một phụ nữ Mỹ hiện nay trung bình nặng hơn khoảng 11kg so với năm 1960, trong khi tỉ lệ người béo phì được dự báo đạt 42% dân số Mỹ vào năm 2030. Để nắm bắt được xu hướng này, một số thương hiệu nổi tiếng như Liz Claiborne, Ralph Lauren, Tommy Hilfiger và H&M đã hưởng ứng bằng cách bán các sản phẩm có cỡ lớn hơn.
Quần áo làm bằng vải không nhuộm và chống nhăn được đón nhận rộng rãi trên thị trường. Người ta ước tính rằng trên 25% số quần áo hiện được làm bằng các loại vải dễ chăm sóc, và con số này sẽ tiếp tục tăng. Mặc dù các thương hiệu may mặc lớn như Dockers và Liz Claiborne đã quảng bá rộng rãi các loại quần áo dễ chăm sóc, các siêu thị lớn, như Walmart, cũng cung cấp nhiều hơn các mặt hàng có chất lượng như vậy.
Nhờ nhận thức ngày càng tăng về sức khoẻ và chất lượng cuộc sống, nhu cầu về đồ may mặc theo tính năng đang tăng mạnh. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các mặt hàng may mặc theo tính năng, trang phục với nhiều tính năng khác nhau có thể dễ dàng tìm thấy trên thị trường. Chống tia cực tím, chống bức xạ, thấm hút mồ hôi tốt, giữ nhiệt, tự làm sạch là những ví dụ về cách thức ứng dụng công nghệ vật liệu vào ngành may mặc.
Công nghệ phát triển cho phép người tiêu dùng tìm kiếm trên internet và tìm cách tạo ra các bộ trang phục của riêng họ. Đây là phương thức hiện đại để thể hiện sự sáng tạo của người dùng khi tạo ra các thiết kế thời trang và quần áo riêng của họ. Do vậy, một số cửa hàng quần áo có uy tín như Nike, Adidas và Walmart bắt đầu bán trang phục theo cá nhân, trong khi các công ty nhỏ hơn cho phép người tiêu dùng tùy chỉnh quần áo và phụ kiện trực tuyến theo thiết kế của họ.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến việc ăn mặc thân thiện với môi trường và thoải mái, làm cho quần áo làm từ sợi thiên nhiên trở nên phổ biến, đặc biệt là ở các thị trường phát triển. Theo kết quả Điều tra lối sống của Tập đoàn Cotton, 73% người tiêu dùng Hoa Kỳ tin rằng hàng may mặc chất lượng tốt hơn được làm toàn bộ từ sợi thiên nhiên và 65% trong số đó sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm này.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang chấp nhận các kỹ thuật / thiết kế thân thiện với môi trường để tăng hiệu suất và giảm chất thải trong quá trình sản xuất. Ví dụ, H&M đã khởi xướng phong trào "H&M Conscious", hứa hẹn sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và áp dụng nguyên tắc 3Rs trong sản xuất. Trong khi đó, thương hiệu thời trang G-Star RAW đã sáng tạo và sử dụng trong bộ sưu tập Bionic Yarn của mình, một loại vải thân thiện với môi trường làm từ sợi có nguồn gốc từ chai nhựa tái chế được tìm thấy trong đại dương.