LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Thương mại điện tử trong kỷ nguyên số

 Thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2019 sáng ngày 01/10/2019, Sở Công Thương tỉnh BR-VT phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương, tổ chức lớp đào tạo, tập huấn kiến thức pháp luật về thương mại điện tử năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với chủ đề “Thương mại điện tử trong kỷ nguyên số” cho cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Lớp đào tạo, tập huấn nhằm thực hiện công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử; nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ CBCC quản lý nhà nước; nâng cao sự hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp trong việc ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm; tăng cường khả năng ứng dụng thương mại điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các tổ chức, cá nhân trong xu hướng hội nhập quốc tế.

Chương trình đã mời các báo cáo viên, ông Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử - Cục TMĐT và KTS – Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, và ông Nguyễn Minh Đức – CEO IM Group - Chuyên gia Dự án Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 – Google, bà Đoàn Thị Thúy Ngân – Trưởng phòng kinh doanh – Công ty CP đầu tư Công nghệ OSB.

Các báo cáo viên và hai chuyên gia đã trình bày và trao đổi với học viên những chuyên đề về Pháp luật về thương mại điện tử và hành trình trải nghiệm khách hàng và các kênh Omni, một số công cụ quản lý của Google; Google My Business giải pháp nhanh chóng hiện diện thông tin của các đơn vị trên mạng; Xuất khẩu trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com.

 

Ông Nguyễn Hữu Tuấn – TP quản lý hoạt động TMĐT 

Ông Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương trình bày nội dung thực trạng phát triển thương mại điện tử và các hành vi vi phạm phổ biến về hoạt động thương mại điện tử như:

Về hạ tầng logistics cho thương mại điện tử: hiện nay chúng ta đang làm logistics 4.0 với hạ tầng logistics truyền thống, chưa có khả năng kết nối.

Về hạ tầng thanh tóan cho thương mại điện tử: phần lớn người mua hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng. Điều này cho thấy, tình trạng sử dụng tiền mặt vẫn cao, đây là một lực cản không nhỏ đối với Việt Nam khi muốn nâng tầm lĩnh vực thương mại điện tử trong bối cảnh công nghệ 4.0.

Về đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thương mại điện tử:  theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 30%, đạt gần 8 tỷ USD (Năm 2016, doanh thu bán lẻ thương mại điện tử ở mức 5 tỷ USD, tăng 20% và năm 2017 là 6,2 tỷ USD, tăng 24%).

Về hạ tầng và tốc độ phát triển cho thương mại điện tử, năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt hơn 30%, tương đương 7,8 tỷ USD so với điểm xuất phát năm 2015 chỉ ở mức 4 tỷ USD. Hàng hóa được mua sắm phổ biến hiện nay là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ công nghệ, điện tử, thiết bị và đồ dùng gia đình. Khách hàng chủ yếu mua sắm trên smartphone thông qua những ứng dụng (app) mua sắm như Shoppe, Lazada, Tiki... hay trên mạng xã hội như facebook, Zalo.

Về một số hành vi phổ biến như: nhóm hàng hóa bị làm giả thường là những hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất; giả mạo tên miền, giao diện, website, quảng cáo trực tuyến, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu,..

 

Ông Nguyễn Minh Đức- CEO IM Group

Ông Nguyễn Minh Đức – CEO IM Group – Trainer Google – Trưởng ban đào tạo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, trao đổi với đại biểu về hành trình trải nghiệm khách hàng và các kênh Omni và Một số công cụ quản lý của Google, Google My Business giải pháp nhanh chóng hiện diện thông tin của các đơn vị trên mạng. Qua chương trình, ông đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh cập nhật kiến thức số, tăng cường khả năng quản lý giúp phát triển doanh nghiệp, tăng hiệu quả kinh doanh online và tạo nhiều cơ hội việc làm mới cho xã hội. Giúp các doanh nghiệp lập kế hoạch truyền thông trên mạng xã hội, hiểu và kết nối khách hàng qua mọi phương tiện điện tử, tạo hiện diện doanh nghiệp trên google,..

                           

Bà Đoàn Thị Thúy Ngân – TPKD – Cty CPĐT Công nghệ OSB 

Bà Đoàn Thị Thúy Ngân – Trưởng phòng kinh doanh của Công ty CPĐT Công nghệ OSB trao đổi với đại biểu nội dung xuất khẩu trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com. Đây là nền tảng giao thương online lớn nhất thế giới dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn cầu, bà cho biết hiên nay 10 ngành hàng xuất khẩu tiêu biểu của doanh nghiệp Việt Nam trên Alibaba và nhu cầu mua của nhà nhập khẩu trên Alibaba.com, ngành hàng thực phẩm và đồ uống, nông sản vật liệu xây dựng, nội thất, năng lượng, dệt may và da giày, chăm sóc sắc đẹp,…trong đó ngành hàng thực phẩm và đồ uống chiếm tỷ lệ cao nhất là 22% và mặt hàng khác chiếm 26%,…

 

(Toàn cảnh đại biểu tham dự)

Theo đánh giá của các đại biểu tham dự, đây là một chương trình đào tạo, tập huấn có ý nghĩa nhằm giúp các đại biểu là cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh  nắm được nội dung cơ bản của pháp luật thương mại điện tử và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xả và cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, trong xu thế hội nhập.

 

Anh Thư - VPS