LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Chuyên đề phát huy dân chủ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

 Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng Nhân dân

Bác Hồ đã kiên trì xây dựng một nhà nước thật sự dân chủ - nhà nước của dân, do dân, vì dân. Dân chủ tức là Nhân dân có quyền lợi làm chủ và phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Khi người dân chưa hiểu dân chủ là gì thì không thể thực hành dân chủ thật sự. Vì vậy phát huy dân chủ là phải tìm mọi cách bàn bạc, giải thích cho dân hiểu rõ, “Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm” [1]. Trên cơ sở tin vào dân chúng, phát huy dân chủ là “nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta” [2].

Nhận thức khoa học và giải quyết tốt mối quan hệ giữa cán bộ và lãnh đạo với Nhân dân trong chế độ dân chủ là một nội dung trọng yếu của đạo đức trong phát huy dân chủ

Về tư cách người đảng viên, lãnh đạo, Người nói: “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân. Bác nhấn mạnh: Làm đày tớ nhân dân chứ không phải làm “quan”nhân dân, không ra lệnh, ra oai, không làm quan cách mạng” [3]. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên nắm chắc quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng, thành tâm học hỏi quần chúng, kiên quyết dựa vào quần chúng, phát động quần chúng thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo; phải thực sự cầu thị, không được chủ quan.

Phong cách Hồ Chí Minh phát huy dân chủ xuất phát từ chỗ đề cao vai trò, vị trí của Nhân dân

 Bác Hồ căn dặn mỗi cán bộ khi thực hiện phong cách phát huy dân chủ phải bắt đầu từ mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công việc, mỗi một chính sách của chúng ta, đều phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng. Muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng thì phong cách của người cán bộ phải thể hiện sự nhiệt thành, quyết tâm, khiêm tốn, chịu khó. Để thực hiện phong cách dân chủ, cần phải hiểu “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình” [4]. Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo.

Thực hiện và phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, quyền làm chủ của cán bộ công chức tại Sở Công Thương

Trong quá trình làm việc tại Sở Công Thương, cán bộ, công chức cần xây dựng hình ảnh, tác phong chuyên nghiệp, tận tâm, sáng tạo vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp như: Tận tụy hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp và người dân những thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Công Thương; khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nếu thấy những nội dung tại các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Quyết định… gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cán bộ công chức cần nhanh chóng tham mưu lãnh đạo có văn bản kiến nghị, đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện tại; Tham mưu lãnh đạo xử lý các văn bản của doanh nghiệp và người dân cần sự hỗ trợ từ Sở Công Thương…

Chuyên viên tại Sở cần biết được, hiểu được quyền làm chủ của mình và phải có nghĩa vụ, nỗ lực hoàn thành trách nhiệm được giao, tạo sự tin tưởng, thân thiện với lãnh đạo, đồng nghiệp, người dân và doanh nghiệp. Trong các cuộc họp , chuyên viên cần tham gia thảo luận một cách dân chủ, phát biểu ý kiến, suy nghĩ, sáng kiến, tâm tư nguyện vọng của mình cho lãnh đạo biết để có hướng xử lý, thống nhất, giải quyết; nhưng sau khi đã trở thành nghị quyết, quyết định của tập thể, tất cả mọi đảng viên, cán bộ, công chức phải tôn trọng và thực hiện nghiêm. Tránh trường hợp, trong các cuộc họp, chuyên viên có những ý kiến khác với lãnh đạo nhưng không dám phát biểu ý kiến, sau cuộc họp lại không thực hiện công việc hay làm một cách qua loa, không chi tiết.

Cán bộ, công chức tại Sở phải luôn nâng cao tinh thần làm việc vì nhân dân, biết cách thức tổ chức công việc và hoàn thành các nhiệm vụ được giao đúng hạn, tránh xử lý trễ hạn. Chấp hành tốt nội quy, quy chế tại cơ quan (đi làm đúng giờ, không đi trễ về sớm…). Có thái độ ứng xử chuẩn mực với cấp trên và đồng nghiệp tại Sở cũng như đơn vị trực thuộc Sở. Luôn hòa nhã, lịch sự, gần gũi, tạo thiện cảm khi giao tiếp với người dân và doanh nghiệp. Phải tiếp thu và sửa chữa mọi khuyết điểm khi người dân và doanh nghiệp phê bình.

Ý thức nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết công việc tại Sở Công Thương

Lãnh đạo Sở và lãnh đạo phòng phải gần gũi, tôn trọng mọi ý kiến của chuyên viên, tránh độc quyền, áp đặt; từ đó mọi chuyên viên có thể trình bày những suy nghĩ trăn trở của mình trong công việc, thông qua đó, lãnh đạo có cơ sở để giải quyết nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của các chuyên viên. Nếu chuyên viên còn chưa mạnh dạn phát biểu ý kiến trong các cuộc họp, lãnh đạo cần tạo thêm nhiều điều kiện, khích lệ để chuyên viên có thể phát huy dân chủ của mình, dám nói, dám làm. Những ý kiến nào đúng, lãnh đạo nên tiếp nhận, ý kiến nào không đúng, lãnh đạo giải thích, sửa chữa.

Trong quá trình làm việc, lãnh đạo cần phát huy năng lực của các chuyên viên. Khi lãnh đạo có khuyết điểm, không nên sợ chuyên viên góp ý phê bình mà phải mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình; Sửa chữa khuyết điểm, học hỏi những sáng kiến hay của chuyên viên, để giải quyết công việc ngày càng tốt hơn.

Lãnh đạo Sở cần tiếp tục chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát huy năng lực làm chủ thông qua việc tăng cường tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, dành thời gian tiếp công dân theo quy định; giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, công dân kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo và chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi hành công vụ. Cần công khai minh bạch, chống tham nhũng, đặc biệt là nạn đưa hối lộ và nhận hối lộ ở mọi cán bộ công chức tại Sở và đơn vị trực thuộc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Tiếp tục tăng cường tổ chức khảo sát ý kiến người dân và doanh nghiệp về chất lượng hành chính công và chi phí không chính thức ở cấp Sở theo mô hình dân chấm điểm.



[1] Hồ Chí Minh : toàn tập, Sđd, t.5, tr.334; được trích trong Tài liệu học tập chuyên đề Chỉ thị 05-CT/TW năm 2019 do Đảng ủy Sở Công Thương cung cấp.

[2] Hồ Chí Minh : toàn tập, Sđd, t.5, tr.337-338; được trích trong Tài liệu học tập chuyên đề Chỉ thị 05-CT/TW năm 2019 do Đảng ủy Sở Công Thương cung cấp.

[3] Hồ Chí Minh : toàn tập, Sđd, t.15, tr.292; được trích trong Tài liệu học tập chuyên đề Chỉ thị 05-CT/TW năm 2019 do Đảng ủy Sở Công Thương cung cấp.

[4] Hồ Chí Minh : toàn tập, Sđd, t.13, tr.421; được trích trong Tài liệu học tập chuyên đề Chỉ thị 05-CT/TW năm 2019 do Đảng ủy Sở Công Thương cung cấp.